Xây dựng thương hiệu du lịch Việt- bước phát triển bền vững

Xây dựng thương hiệu du lịch hiện là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh "ngành công nghiệp không khói" đang đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế.
Ngành du lịch Việt Nam tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng nguy cơ phát triển không bền vững, sản phẩm du lịch chưa phong phú, sức cạnh tranh yếu đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần giải quyết trong việc tạo dựng một thương hiệu du lịch quốc gia đủ sức cạnh tranh.

Giới thiệu khách quốc tế các món ăn dân tộc đặc sắc, một thế mạnh của du lịch Việt Nam.
Thương hiệu còn "nhạt nhòa"
Việt Nam từng tự hào là một nước "mới nổi" trong việc tìm cách đưa du lịch trở thành đòn bẩy hiệu quả nâng tầm phát triển kinh tế. Trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn: lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 7,5 triệu lượt, gấp 33 lần so với năm 1990. Tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 200 nghìn tỷ đồng, gấp 125 lần so với năm 1990. Có thể nói, ngoài việc đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc dân thì hình ảnh du lịch Việt Nam đã thật sự gây được chú ý từ quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái tác động không nhỏ đến nhu cầu du lịch thì thương hiệu du lịch suy yếu đang khiến ngành du lịch nước ta phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là sức ép cạnh tranh.
Thương hiệu du lịch không đơn thuần chỉ là một biểu tượng, một câu khẩu hiệu, một sản phẩm hay một chiến dịch ma-két-tinh. Thương hiệu ám chỉ bản chất hoặc đặc điểm cốt lõi của sản phẩm hoặc điểm đến, bao gồm những gì khiến nó dễ nhận thấy và khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Sức mạnh của thương hiệu rõ ràng được đánh giá thông qua sự trải nghiệm hoàn hảo để du khách quyết định chọn mua các sản phẩm dịch vụ một cách vừa ý và ngày càng thường xuyên. Thế nhưng, trong năm năm trở lại đây, 80 đến 85% số du khách được hỏi đều trả lời có thể sẽ không quay lại Việt Nam vì ngại phải đối mặt với ô nhiễm môi trường xã hội cũng như tự nhiên ở nhiều điểm đến. Trong khi đó, câu trả lời lại ngược lại với Thái-lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a,... Vậy phải chăng, thương hiệu du lịch Việt Nam đang nhạt nhòa trong môi trường du lịch thế giới đang ngày càng đi lên mạnh mẽ và cạnh tranh gay gắt hiện nay?
Vụ trưởng Thị trường của Tổng cục Du lịch Lê Tuấn Anh cho biết: "Ngành du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch của đất nước. Vì thế, không khó hiểu khi khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới của du lịch Việt Nam thấp". Rất nhiều chuyên gia khác cũng nhận định: chất lượng sản phẩm còn đang thiếu cả chiều sâu lẫn chiều rộng cũng như sự phản cảm khi nội dung quảng cáo hấp dẫn nhưng thực tế lại không như vậy, làm mất uy tín với khách hàng và khiến du khách chán nản khi đến Việt Nam. Chưa nói đến "câu chuyện quảng bá thiếu hiệu quả": khẩu hiệu của ngành du lịch trải qua nhiều lần thay đổi chỉ trong hơn mười năm qua: "Việt Nam - Điểm đến của thiên niên kỷ mới" đến "Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn" rồi mới đây là "Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận". Nhưng tất cả đều xuất phát từ tư duy chủ quan chứ không phải là kết quả của quá trình xây dựng chiến lược thương hiệu du lịch quốc gia một cách bài bản, chuyên nghiệp. Vì lẽ đó, hình ảnh thương hiệu du lịch của Việt Nam đang có phần trở nên lạc lõng và thiếu nhất quán.
Củng cố vị thế thương hiệu
Xây dựng thương hiệu không dễ, nhưng không phải là quá khó nếu du lịch Việt Nam có bước đi chính xác, cần thiết ngay từ đầu. Con đường xây dựng và đưa thương hiệu đến với khách hàng cần được tiến hành lần lượt theo quy trình bao gồm xây dựng, hình thành sản phẩm, nhận biết sản phẩm, chọn lựa sản phẩm và sống với thương hiệu sản phẩm. Một chuyên gia về du lịch đã từng ngỡ ngàng khi đến A-giécbai-dan bởi quá ấn tượng trước việc đài truyền hình quốc gia nước này đưa tin về "Running man" Vũ Xuân Tiến của Việt Nam. Chỉ một hình ảnh chàng trai Việt Nam nhỏ bé chạy theo đam mê cũng đủ làm người xem liên tưởng rằng Việt Nam là nơi lý tưởng, có những con người tuyệt vời, đáng được khám phá. Thế nhưng, trên thực tế, du lịch Việt Nam rõ ràng chưa tận dụng được hiệu quả mà những hình ảnh mang tính chất điểm nhấn giống như vậy đem lại. Chính vì lẽ đó, đề xuất dùng hình ảnh ẩm thực Việt Nam vốn đa dạng, phong phú lại đậm đà bản sắc dân tộc để xây dựng thương hiệu mang tính toàn cầu: "Bếp ăn của thế giới" cho Việt Nam cũng là một phương án đáng lưu tâm khi các nhà chuyên môn muốn tạo ra điểm nhấn riêng biệt cho một thương hiệu du lịch đang có vẻ "lúng túng" tìm hướng đi.
Bên cạnh xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm thì công tác quảng bá phải được thực hiện chuyên nghiệp. Việt Nam cần thiết lập mạng lưới văn phòng đại diện du lịch quốc gia ở những thị trường trọng điểm và tiềm năng cũng như hình thành mạng lưới trung tâm thông tin du lịch tại các thành phố, trung tâm du lịch lớn ở trong nước để thúc đẩy quảng bá. Ngành du lịch cần tạo điều kiện đưa thương hiệu du lịch Việt Nam ra nước ngoài thông qua sự hiện diện thường xuyên tại các hội chợ, hội nghị, hội thảo du lịch quốc tế có tính chuyên nghiệp cao. Muốn vậy, các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân cần được hướng dẫn, hỗ trợ để tích cực tham gia vào hoạt động tiếp thị, xúc tiến một hình ảnh Việt Nam năng động và đầy sức bật để khẳng định vị thế của thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch toàn cầu.
Các địa phương cũng nên xây dựng các phân khúc thị trường du khách, sản phẩm riêng để xúc tiến, quảng bá điểm đến cho riêng mình. Với tiêu chí của một địa phương có tiềm năng, thế mạnh phát triển thì không nhất thiết phải thống nhất thương hiệu địa phương với thương hiệu quốc gia. Theo đó, các địa phương chỉ cần dựa trên quan điểm phát triển bền vững, hội nhập và tôn vinh bản sắc để đưa ra những hình ảnh, biểu tượng mang tính tượng trưng, độc đáo và gần gũi của riêng địa phương đó trong một giai đoạn có lộ trình cụ thể. Đây là bài học đến từ sự thành công của các thị trường du lịch lớn mạnh khác trong khu vực như Thái-lan gắn với Phu-két, In-đô-nê-xi-a gắn với Ba-li, Ma-lai-xi-a gắn với tháp đôi Pê-trô-nát...
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: "Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải thực hiện được yêu cầu phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, có thương hiệu và có khả năng cạnh tranh". Do vậy, việc xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam được coi là chìa khóa quan trọng mang tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay. Chính sự quyết tâm đó, hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức hiện tại để khẳng định được vị thế thương hiệu du lịch hấp dẫn của thế giới.


0 nhận xét

Đăng nhận xét