Thực trạng và tiềm năng du lịch Việt Nam
written by Unknown
at Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014
Năm 2013, dù kinh tế còn khó khăn nhưng du lịch Việt Nam vẫn là điểm sáng với việc thu hút 7,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 10% so với năm trước, tổng doanh thu ước đạt 200.000 tỷ đồng.
Phát huy nội lực địa phương
“Kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí xúc tiến, quảng bá cấp Trung ương eo hẹp và bị cắt giảm, nhưng với nỗ lực tự cứu mình của doanh nghiệp và phát huy nội lực của những địa phương có tiềm năng du lịch, đã tạo ra động lực thu hút khách. Chính vì vậy, lượng khách quốc tế trong năm 2013 đã đạt 7,5 triệu lượt, về trước đích 2 năm so với kế hoạch”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
Cát Bà đang trở thành điểm đến mới hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Có thể nhận thấy những địa phương có tiềm năng du lịch đang có những bước đi cụ thể trong việc đầu tư vào hạ tầng, làm mới sản phẩm du lịch, liên kết tuyến điểm và coi việc phát triển du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cụ thể như sự kiện “Năm du lịch đồng bằng sông Hồng 2013” đã tạo cơ hội để các trung tâm du lịch vùng làm mới các điểm đến truyền thống. Thành phố Hà Nội với vai trò là trung tâm phân phối khách miền Bắc trong năm 2013 đã tập trung khai thác mạnh thị trường khách Đông Bắc Á, ASEAN... mang lại những thành công vượt bậc. “Hà Nội đã đón vị khách quốc tế thứ 2,5 triệu trong năm 2013, đã khẳng định một dấu mốc quan trọng trong phát triển du lịch của Thủ đô. Trong hoàn cảnh khó khăn chung, Hà Nội xác định nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đó là lý do, lượng khách đến Hà Nội đạt trước kế hoạch 2 năm và tăng tỷ lệ khách quay trở lại Hà Nội”, ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Hà Nội nhận xét.
Trong khu vực tam giác du lịch đồng bằng sông Hồng, nổi bật là liên tuyến Hà Nội - Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh rất hấp dẫn du khách. Các địa phương đã tập trung khai thác thế mạnh là du lịch làng nghề, du lịch làng quê và nghỉ dưỡng, sinh thái. Điểm đến vòng cung Tây Bắc mở rộng tuyến Sa Pa (Lào Cai) - Hà Giang - Mù Căng Chải (Yên Bái); Mai Châu (Hòa Bình) - Mộc Châu (Sơn La) cũng là tuyến thành công của năm qua... “Du lịch tuyến Tây Bắc đang là điểm đến mới với chất lượng dịch vụ đã được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp. Đồng bào dân tộc tại các điểm du lịch cộng đồng đã thay đổi nhận thức trong làm du lịch, tạo dựng bản sắc riêng để hấp dẫn du khách”, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá.
Du khách đang được giới thiệu lịch sử khu nhà Vương tại cao nguyên đá Hà Giang.
Về các tuyến du lịch đường dài, sự liên kết giữa hàng không và doanh nghiệp du lịch đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. “Ngay từ đầu năm, cả Vietnam Airlines và Vietjet Air đã có chương trình hợp tác cụ thể với những đơn vị tham gia nhóm kích cầu, có những ưu đãi linh hoạt, tạo điều kiện cho các đơn vị gom khách có những chuyến khởi hành định kỳ thường xuyên hơn”, ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Hanoi Redtour, trưởng nhóm liên minh kích cầu miền Bắc nhận định. Chung quan điểm này, ông Trần Thế Dũng, Phó trưởng nhóm liên minh kích cầu TP Hồ Chí Minh đánh giá, với sự tham gia của hàng không Vietjet Air, du khách đã có nhiều lựa chọn loại hình dịch vụ, do đó lượng khách tham gia chương trình tăng đáng kể so với năm trước.
Một điểm đáng ghi nhận nữa của các địa phương có tiềm năng du lịch là việc liên kết các tuyến điểm theo vùng và khai thác các sản phẩm chuyên đề đã hình thành rõ nét. “Quảng Bình tập trung khai thác du lịch hang động và được bạn bè quốc tế mệnh danh là “vương quốc hang động” với nhiều tuyến điểm phục vụ chương trình thám hiểm, trải nghiệm khám phá hang động kết hợp với du lịch sinh thái. Hội An - Đà Nẵng - Huế tiếp nối hành trình di sản miền Trung; Nha Trang - Đà Lạt hình thành tuyến du lịch nghỉ dưỡng và khám phá vùng đất cao nguyên; An Giang - Hà Tiên - Phú Quốc là điểm du lịch nghỉ dưỡng mới của Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
Sự chuyển biến của địa phương trong điều hành, kết hợp với công tác quản lý chất lượng dịch vụ và tạo dựng sản phẩm đặc thù, là những thành công lớn của du lịch trong năm qua trong điều kiện kinh tế còn khó khăn. “Phát huy nội lực của từng địa phương và nỗ lực của từng doanh nghiệp là điểm nhấn của du lịch Việt Nam trong năm 2013. Trong khi đó, việc gắn kết của các bộ ngành trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn của du lịch vẫn là điểm yếu, chưa kịp thời. Chính vì vậy, hiện Tổng cục Du lịch vẫn đang nỗ lực gửi những kiến nghị của doanh nghiệp du lịch kiến nghị Chính phủ có những giải pháp quyết liệt để giải quyết các vấn đề liên quan đến xúc tiến quảng bá, quy hoạch, miễn giảm thuế, đơn giản thủ tục xuất nhập cảnh... để du lịch có thể phát triển bền vững”, ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.
Chấn chỉnh nạn “chặt chém” khách
Một trong những hoạt động đáng chú ý của ngành du lịch 2013 là nỗ lực cải thiện hình ảnh du lịch thông qua việc hình thành các trung tâm hỗ trợ du khách tại các điểm du lịch lớn cả nước. “Trước thông tin liên tiếp của báo chí về những vụ “ăn chặn” khách của lái xe taxi, xích lô, nhân viên khách sạn... với giá gấp hàng chục lần bình thường, cơ quan quản lý chuyên ngành và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt hơn, từ đó đã chấn chỉnh một bước tình trạng chặt chém du khách”, ông Vũ Thế Bình đánh giá.
Còn ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Báo cáo của doanh nghiệp phản ánh tình trạng mất an toàn với du khách tại các điểm du lịch tồn tại nhiều năm nhưng chưa được các địa phương xử lý triệt để. Trước kiến nghị của doanh nghiệp và phản ánh của truyền thông, vấn đề an ninh an toàn của du khách đã được đặt lên bàn của Chính phủ trong năm 2013. Chính vì vậy, trong tháng 9/2013, Chính phủ đã ban hành chỉ thị 18 đảm bảo an ninh an toàn, phân định rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong việc đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, đây là điều quan trọng. Một số địa phương, doanh nghiệp và bộ, ngành đã vào cuộc như Bộ Công an đang nghiên cứu đề án thành lập cảnh sát du lịch, các địa phương thành lập trung tâm hỗ trợ khách du lịch, theo dõi quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền người dân”.
Thực tế năm 2013 cho thấy, khi các địa phương có những giải pháp tổng thể thì việc huy động sự tham gia của người dân sẽ làm nên bộ mặt an ninh an toàn cho xã hội. “Đó cũng là những hành động tích cực tạo điểm đến thân thiện, an toàn để khách có thể quay lại nhiều lần tới Việt Nam”, ông Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Công ty du lịch Tầm Nhìn cho biết.
Năm 2014 vẫn được dự báo là nhiều thách thức và tác động tiêu cực từ yếu tố khách quan, bên cạnh tiếp tục chính sách vĩ mô của Chính phủ, vì vậy ngành du lịch xác định vẫn phải chủ động hơn để tự cứu mình. Ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: “Năm 2013, việc kích cầu hầu hết được phát động tại địa phương trên cơ sở kêu gọi sự gắn kết, liên kết doanh nghiệp, khu vực và hình thành chuỗi sản phẩm cần thiết. Từ thực tế năm 2013, tôi cho rằng không thể kêu gọi doanh nghiệp du lịch, dịch vụ giảm giá mãi được, mà quan trọng là giữ được chất lượng, hình thức thu hút khách và hấp dẫn hiện nay.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng về lượng khách sẽ không ào ạt như trước, mà theo hướng nâng chất lượng dịch vụ, lấy hiệu quả kinh tế làm chính. Đây cũng là thước đo và mục tiêu phấn đấu xây dựng những thương hiệu mạnh của doanh nghiệp, địa phương, vùng và cấp quốc gia. Có như vậy mới phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam từ nay đến 2020 và tầm nhìn 2030, chuyển dần từ “lượng” sang “chất”, tạo đà cho du lịch Việt Nam phát triển bền vững. Năm 2014 sẽ tập trung hỗ trợ tạo thành liên kết huy động sức mạnh vùng miền, liên kết quảng bá xúc tiến những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền và hướng tới Năm du lịch quốc gia Tây Nguyên 2014 tại Lâm Đồng”.